Ngày 10/9 vừa qua, cuối cùng thì JAL cũng đã vươn lên từ đống đổ nát và thực hiện đợt IPO thành công với trị giá 663 tỷ yên nhật (tương đương 8,5 tỷ USD).
Mức giá này khiến giá trị của JAL vượt qua All Nippon Airways (ANA) – tập đoàn hàng không có cùng cảnh ngộ. Ngày 19/9, ANA cũng đã niêm yết trở lại. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự thực thì ANA là hãng hàng không được quản lý tốt hơn nhiều so với JAL. Hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản đã được được trao những lợi thế 1 cách không công bằng.
Xét dưới nhiều góc độ, sự quay trở lại của JAL thể hiện cả những điểm tích cực và tiêu cực mà sự can thiệp của chính phủ có thể mang lại. Về mặt tích cực, việc JAL có lợi nhuận trở lại là 1 điều tuyệt vời đáng ngạc nhiên. JAL là 1 trong những doanh nghiệp “thuộc dòng dõi quý tử” với niềm tự hào vượt xa cả lợi nhuận: trước khi phá sản vào năm 2010, JAL từng sở hữu một trong những phi đội máy bay phản lực lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, kể từ khi phá sản, JAL đã phải bán đi tất cả số máy bay phản lực, giảm số chuyến bay, cắt giảm 1/3 nhân lực cũng như giảm lương và giảm 1 nửa số trợ cấp lương hưu. Và, những biện pháp này đã phát huy tác dụng: lợi nhuận hoạt động tăng từ mức âm năm 2008 lên 17% và thậm chí còn cao hơn cả những hãng hàng không giá rẻ trong đó có Ryanair. JAL còn trở thành 1 trong những hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới.
Dẫu vậy, sự thay đổi này cũng là 1 trong những dấu hiệu rõ ràng nhất về sự nuông chiều mà chính phủ Nhật Bản dành cho JAL. Tình hình của JAL được cải thiện đáng kể sau khi nhận được sự trợ giúp khổng lồ từ Enterprise Turnaround Initiative Corp (ETIC), một công ty được thành lập bởi chính phủ và các ngân hàng Nhật Bản với mục đích cứu giúp JAL.
Bảng cân đối kế toán của JAL đã được dọn sạch. Theo Nicholas Cunningham, chuyên gia đến từ ngân hàng Macquarie, JAL đã được xóa nợ hơn 500 tỷ yên và điều này góp phần lớn giúp công ty này phục hồi. Số tiền này đủ để JAL mua 45 chiếc Boeing 787 Dreamliners mới, trong khi ANA phải tự bỏ tiền túi để mua 55 chiếc máy bay này. Đổi lại sự hỗ trợ này, chính phủ đã nhận được sự bù đắp xứng đáng. Vụ IPO thành công khiến số tiền 350 tỷ yên mà ETIC bơm vào JAL biến thành 96,5% cổ phần của hãng.
Theo các chuyên gia phân tích, gần như chắc chắn JAL sẽ không phải chịu cảnh giá cổ phiếu đột ngột lao dốc như trường hợp của Facebook sau khi IPO. 1 phần nguyên nhân là do cổ phiếu vốn được bán ở mức thấp. Theo ngân hàng Akira Funae of Citigroup, hiện nay, tỷ lệ P/E của JAL chỉ bằng 1 nửa so với của ANA và thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên thế giới.
Và, cũng không giống như Facebook, JAL có thể dựa vào lòng trung thành của khách hàng làm hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Khách hàng có thể nhận được phiếu giảm giá cho các chuyến bay giá rẻ nếu như họ không bán hạ giá cổ phiếu JAL. Đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao 70% số cổ phiếu được bán ra trong phiên IPO được mua vào bởi các nhà đầu tư cá nhân.
Dưới góc độ của 1 người tiêu dùng, điều đáng hoan nghênh nhất từ sự phục hồi của JAL là chất lượng phục vụ của hãng vẫn được giữ vững bất chấp chi phí đã bị giảm đi khá nhiều. Trong 1 chuyến bay từ Tokyo đến Seoul, 1 vé hạng tiết kiệm vẫn được phục vụ bữa trưa khá chu đáo với những món ăn hấp dẫn.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của 1 nhà đầu tư, có thể sự phục hồi này không dễ dàng đến như vậy. Có rất nhiều lý do khiến người ta lo lắng cho rằng JAL đã đến ngưỡng đỉnh cao lợi nhuận. JAL đang đứng trước sức ép tăng lương. Trong khi đó, triển vọng của ngành hàng không toàn cầu ngày càng u ám. Hơn nữa, ANA có hoàn cảnh thuận lợi hơn JAL trong việc cắt giảm chi phí.
Năm nay mới chỉ là năm khởi đầu bùng nổ các hãng hàng không giá rẻ ở Nhật Bản. Sự cạnh tranh khốc liệt có thể buộc các hãng phải giảm mức giá trên các chặng nội địa cũng như các chặng quốc tế có khoảng cách ngắn. Nhiều chỗ đáp máy bay đang được mở thêm tại các sân bay Haneda và Narita và điều này có thể thu hút các đối thủ cạnh tranh đến từ nước ngoài.
Câu hỏi lớn nhất dành cho JAL là hãng phải làm cách nào đó để vượt qua sự trì trệ của thị trường nội địa và tận dụng lợi thế ngành hàng không đang bùng nổ từ Nhật Bản đến các nước còn lại của châu Á và cả chiều ngược lại.
Giống như ANA, JAL cũng có thể hưởng lợi - và cũng có thể góp phần thúc đẩy - sự vươn lên của nền kinh tế Nhật Bản vốn đang phải chịu cảnh hoạt động sản xuất di chuyển hết sang nước ngoài. Bằng cách cung cấp nhiều chuyến bay hơn nữa đến các trung tâm kinh tế mới phát triển của châu Á, JAL cũng có thể giúp các doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động và cuối cùng được hưởng lợi từ chính sự mở rộng đó.